Trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) mới nhất gửi tới Quốc hội, Chính phủ chính thức bỏ quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Đây cũng là hướng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý.
Dự thảo mới nhất của Luật Nhà ở (sửa đổi) xác định mục tiêu thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.
Dự luật cũng nhằm tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.
Bỏ quy định "nhạy cảm"
"Sở hữu nhà chung cư có thời hạn" là vấn đề nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều ngay từ lần đầu tiên được đưa vào dự thảo. Qua nhiều lần lấy ý kiến và tiếp thu, Chính phủ đã chính thức bỏ quy định này. Theo nhận định của Chính phủ, đây là vấn đề có tính nhạy cảm, tác động lớn đến xã hội và còn có những ý kiến chưa thống nhất.
Chính phủ chính thức bỏ đề xuất "sở hữu chung cư có thời hạn" trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi
Dù không còn nội dung sở hữu chung cư có thời hạn, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung quy định về thời hạn sử dụng chung cư, trường hợp phá dỡ nhà chung cư và làm rõ trách nhiệm các chủ thể liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Việc này, theo Chính phủ, để có cơ sở pháp lý giải quyết, tháo gỡ các trường hợp khó khăn, vướng mắc thực tế.
Trước đó, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này đã đề nghị không quy định việc sở hữu nhà chung cư có thời hạn vào trong luật. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ có tính khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời người dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn cho việc sử dụng để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân.
Về quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam, Chính phủ cho biết Luật Nhà ở 2014 quy định cho phép cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (bao gồm cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư) tại các khu vực được phép.
Theo thống kê sơ bộ của các địa phương, hiện nay trên cả nước đã có khoảng 3.035 cá nhân, tố chức nước ngoài mua và được cấp Giấy chứng nhận đối với căn hộ nhà chung cư.
Vì vậy, Chính phủ tiếp tục giữ nguyên quy định như dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về việc cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (bao gồm cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư).
Chính phủ đồng thời tiếp thu ý kiến của Ủy ban Pháp luật về việc bỏ quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất thuê.
Đề xuất áp dụng sớm các chính sách về nhà ở xã hội
Liên quan tới hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại, Chính phủ đã sửa các quy định theo hướng kế thừa luật hiện hành với trường hợp có quyền sử dụng đất ở hoặc có quyền sử dụng đất ở và đất khác. Đồng thời, bổ sung trường hợp có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc nộp tiền thuê đất trả tiền một lần cho thời gian thuê, và trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở, đất khác, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
Về chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, Chính phủ đã tiếp thu, rà soát, chỉnh sửa lại các nội dung trong dự thảo Luật liên quan đến đất để xây dựng nhà ở xã hội; chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội..., bảo đảm tính thống nhất.
Để tránh tạo ra khoảng trống pháp luật hoặc thiếu rõ ràng dẫn đến vướng mắc trong tổ chức thực hiện quy định này, Chính phủ đã rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định tại Điều 196 của dự thảo Luật, trong đó có bổ sung một số quy định về nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực thi hành ngay sau khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được công bố để áp dụng được ngay trong thực tiễn.
Chính sách này nhằm thúc đẩy nhanh việc thực hiện xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, góp phần tăng nguồn cung về nhà ở xã hội.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát lại một số quy định liên quan đến việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, ưu đãi chủ đầu tư nhà ở xã hội, đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân… để bảo đảm chặt chẽ, tránh lợi dụng chính sách. Chính phủ cho biết đã tiếp thu, rà soát, chỉnh sửa lại các quy định này theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 196 điều, tăng 13 điều so với Luật Nhà ở 2014. Dự thảo luật này sẽ được Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 5, dự kiến khai mạc vào tháng 5 tới
Nguồn tổng hợp