Kỷ niệm 980 năm Đức Thánh Lệ Mật mang dân sang khai hoang lập Thập tam trại phía Tây thành Thăng Long
Theo truyền thống, cứ vào tháng 3 âm lịch hàng năm, nhân dân Lệ Mật – Việt Hưng sôi nổi chuẩn bị tổ chức Lễ hội truyền thống Lệ Mật. Năm nay, Lễ hội được tổ chức trong 4 ngày, từ ngày 09/5/2023 đến hết ngày 12/5/2023 (ngày 20/3 – 23/3 âm lịch).
Vinh dự được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia từ năm 2015, sau 3 năm phải dừng và hạn chế trong công tác tổ chức, Lễ hội truyền thống Lệ Mật năm 2023 được tổ chức với các hoạt động phong phú, mang đậm bản sắc truyền thống, nét độc đáo của đất và người Lệ Mật, Việt Hưng, Long Biên thân thiện và mến khách. Đặc biệt, năm 2023 là năm tiếp theo làng Lệ Mật được UBND quận lựa chọn là địa điểm tổ chức Tuần lễ văn hoá – thương mại – làng nghề (từ 10/5 đến 15/5/2023)
Theo kế hoạch, Phần lễ sẽ được tổ chức trang nghiêm, đảm bảo các nghi thức tế lễ truyền thống gồm: Tế trực; lễ rước nước; lễ đệ văn; lễ dâng hương của 19 dòng họ và các di tích bạn,… Các nghi thức tế lễ nêu cao đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" nhằm tôn vinh, tri ân công đức các bậc tiền nhân đã có công với nước, với dân làng; thể hiện ước nguyện nhân dân cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.
Có ba hoạt động lớn, với đặc trưng riêng, diễn ra trong Lễ hội truyền thống làng Lệ Mật:
Một là, lễ Đả Ngư (đánh cá ở giếng làng): Đả ngư hay đánh cá thờ là một nghi lễ rất quan trọng trong ngày lễ hội truyền thống làng Lệ Mật. Lễ tục này bắt nguồn từ sự tích chàng trai Lệ Mật xả thân đánh Giảo Long, cứu xác công chúa nhà Lý. Tương truyền một chàng thanh niên người làng Lệ Mật đã tìm được ngọc thể công chúa nhà Lý sau khi bị thủy quái làm đắm thuyền chết đuối. Vua ban thưởng gấm vóc, vàng bạc nhưng chàng từ chối và chỉ xin đưa dân nghèo Lệ Mật cùng mấy làng quanh đó sang vùng đất phía tây kinh thành Thăng Long khai khẩn, làm trang trại. Vùng đất ấy dần trở nên trù phú, mở rộng thành 13 trại ấp mà sách sử gọi là khu "Thập Tam trại". Hàng năm, người dân làng Lệ Mật mở hội từ ngày 20 đến 24/3 âm lịch để tưởng nhớ chàng trai Lệ Mật (Thành Hoàng làng Lệ Mật), người có công khai hoang lập ấp.
Lễ Đả ngư là một màn trình diễn tâm linh, thông qua đó gửi lời ước nguyện, tri ân của công chúa đối với vị Thành Hoàng làng. Ước nguyện ấy được tin rằng ứng nghiệm vào đêm trước đánh cá, trời thường vận mưa khiến cá chuyển từ Hồ Tây về giếng Ngọc.
Nhân dân địa phương ai cũng tin rằng cá của công chúa gửi về bao giờ cũng được đánh dấu bằng chấm đỏ hoặc ngả vàng trên lớp vẩy.
Ảnh: Lễ Đả Ngư (đánh cá ở giếng làng)
Hai là, trò diễn diệt Giao Long , mô tả và tái tạo theo Thần tích Đức Thánh Thành hoàng Lệ Mật. Đây là điệu múa Rắn độc đáo ở sân đình. Con Rắn khổng lồ được làm bằng nan tre lợp vải, tượng trưng cho loài thủy quái đã bị chàng trai họ Hoàng dùng sức mạnh và ý chí của mình hạ gục. Các thanh niên khỏe mạnh trong làng được chọn vào đội múa Rắn và đóng chàng trai Lệ Mật. Một thiếu nữ xinh đẹp cũng được tuyển chọn để đóng vai công chúa. Nhạc múa là giàn bát âm và tiếng trống nhịp đôi kết hợp dồn dập, náo nức.
Hiện nay ở đình làng Lệ Mật còn lưu giữ một số đôi câu đối ghi lại sự tích trên, xin đơn cử một đôi câu đối sau:
“Giao đoạn trường giang, sự vãng bách niên tồn địa chí
Ngư y ngọc tỉnh xuan lai tam nguyệt phất tây phong”.
Nghĩa là:
“Chém loài giao ở sông, truyện đã qua hàng năm còn ghi trong địa chí
Cá về giếng ngọc tháng ba, xuân thắm gió Tây hồ”.
Ảnh: trò diễn diệt Giao Long
Ba là, lễ rước Thập Tam Trại, lễ hội là dịp con cháu làng Lệ Mật (dân cư “Cựu quán”) và con cháu đi xa khai hoang bên Kinh đô (dân “Kinh quán”) gặp gỡ tay bắt mặt mừng, cùng chung niềm vui, ôn lại trang sử dựng làng đầy gian nan thuở nào và cùng nhau hứa hẹn giữ trọn mối tình quê hương gắn bó… Ngày nay, các đoàn của Thập Tam Trại từ quận Ba Đình và quận Đống Đa về đây dâng hương hoa lễ vật tri ân Đức Thánh – người đã có công khai sinh ra vùng đất mình đang định cư.
Ảnh: Lễ rước Thập Tam Trại
Phần hội với trọng tâm là các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian,… và các hoạt động văn hoá văn nghệ, các hội thi hội diễn của quận: Chung khảo Hội thi Trưởng ban Công tác mặt trận giỏi quận Long Biên năm 2023, Chung khảo hội diễn múa nghệ thuật không chuyên quận Long Biên năm 2023,… sẽ được tổ chức nhằm tạo không khí vui tươi, sôi nổi trong không gian lễ hội; khai thác, phục hồi các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian của địa phương; đồng thời giữ gìn lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống.
Lễ hội truyền thống Lệ Mật 2023 là dịp để tuyên truyền, giáo dục về truyền thống uống nước nhớ nguồn, về các giá trị di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của Lệ Mật, Việt Hưng với nhân dân trong và ngoài khu vực; thiết thực chào kỷ niệm 20 năm thành lập quận Long Biên. Thông qua các hoạt động của Lễ hội góp phần bảo tồn, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc; quảng bá tiềm năng thế mạnh về du lịch, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước về với Lệ Mật, Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội.
Tổng hợp