BẤT ĐỘNG SẢN LONG BIÊN
Lượt xem: 3560



Quy định về mã vạch giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là gì? Quy định về mã vạch giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

Hiện nay, tình trạng làm giả các giấy tờ, tài liệu đang diễn ra ngày càng phổ biến tại nhiều địa phương trên cả nước. Do đó, mỗi người dân cần tự trang bị kiến thức nhận biết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước khi kí hợp đồng đặt cọc, chuyển nhượng đất đai,… Một trong những căn cứ có thể dùng để kiểm tra tính hợp lệ của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chính là Mã vạch của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính vì vậy, mã vạch trên Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất hoặc tài sản khác gắn liền với đất có vai trò quan trọng trong việc hạn chế một cách tối đa việc làm giả Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất. Từ đó có thể tránh xâm hại trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cũng như người có nghĩa vụ liên quan đến bất động sản đó. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ tới bạn đọc quy định về mã vạch giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Căn cứ pháp lý: Thông tư 23/2014/TT-BTNMT

1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là gì?

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được hiểu là chứng thư pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để xác nhận quyền sử dụng đất của người sử dụng đất và các tài sản khác gắn liền với đất.

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất cũng là một trong những chủ trương của Đảng và Nhà nước góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đồng thời tăng cường thiết chế nhà nước trong việc quản lý đất đai. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thường được gọi với tên gọi thông thường là sổ đỏ hoặc bìa đỏ.

Khi đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật thì người sử dụng đất sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài sản khác gắn liền với đất, nếu có sự gian lận, sai sót hoặc vì một số lý do khác thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn có thể thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.

2. Quy định về mã vạch Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Mã vạch của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một trong những căn cứ có thể dùng để kiểm tra tính hợp lệ của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Dựa vào mã vạch giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chúng ta có thể kiểm tra các thông tin như năm cấp, nơi cấp, địa chỉ thửa đất dựa trên mã vạch và các thông tin này phải trùng khớp với thông tin được in tại trang 2 của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo quy định tại Điều 15, Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về mã vạch giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì:

– Mã vạch giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được in tại cuối trang 4 khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

– Mã vạch giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được dùng để quản lý và tra cứu thông tin về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nội dung của mã vạch thể hiện dãy số nguyên dương, có cấu trúc dưới dạng MV = MX.MN.ST, cụ thể trong đó:

+ Ký hiệu MX được hiểu là mã đơn vị hành chính cấp xã nơi có thửa đất, được thể hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam; trong trường hợp cấp Giấy chứng nhận cho khu đất nằm trên nhiều đơn vị hành chính cấp xã thì ghi theo mã của xã có phần diện tích lớn nhất.

Đối với trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì ghi thêm mã của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật vào trước mã của xã, phường, thị trấn nơi có đất.

+ Ký hiệu MN được hiểu là mã của năm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bao gồm hai chữ số sau cùng của năm ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

+ Ký hiệu ST được hiểu là số thứ tự lưu trữ của hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai tương ứng với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp lần đầu theo quy định của pháp luật về hồ sơ địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đối với trường hợp một hồ sơ đăng ký mà ghi vào một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không hết thì phải ghi vào nhiều Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cấp theo quy định tại Điểm c Khoản 9 Điều 6 và Khoản 8 Điều 7 của Thông tư 23/2014/TT-BTNMT thì các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này được ghi chung một số thứ tự lưu trữ của hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai đó.

Như vậy, có thể thấy dãy số mã vạch trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể có 15 hoặc 13 chữ số. Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì dãy số có 15 chữ số, các trường hợp còn lại thì dãy số sẽ có 13 số.

Ví dụ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có dãy số mã vạch là 010064318000706, thì dựa vào đó chúng ta có thể biết được:

– Số thứ tự lưu trữ của hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai tương ứng với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp lần đầu theo quy định về hồ sơ địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường là 000706.

– Mã năm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 18 tương ứng với năm 2018.

– Mã đơn vị hành chính cấp xã nơi có thửa đất được ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 00643 tương ứng với đất tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

– Mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 01 tương ứng với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

3. Quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Tùy theo từng giai đoạn mà ở Việt Nam bao gồm nhiều loại Giấy chứng nhận về nhà đất như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Từ ngày 10/12/2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành một mẫu Giấy chứng nhận mới có bìa màu hồng áp dụng chung trên phạm vi cả nước được gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Mặc dù áp dụng chung cùng một mẫu Giấy chứng nhận nhưng các loại Giấy chứng nhận được ban hành trước ngày 10/12/2009 vẫn có giá trị pháp lý theo quy định của pháp luật và không bắt buộc phải đổi sang mẫu Giấy chứng nhận mới.

Khi Luật Đất đai 2013 và các văn bản pháp luật hướng dẫn được ban hành và có hiệu lực thì vẫn kế thừa tên gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Quy định này đã được nêu rõ tại khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013, theo đó: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được hiểu là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Như vậy, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể hiểu là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực tế đang được cấp cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao gồm một tờ có 04 trang, được in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen và Trang bổ sung nền trắng; mỗi trang của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có kích thước 190mm x 265mm; bao gồm các nội dung theo quy định của pháp luật như sau:

– Trang 1: Nội dung bao gồm: Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” in màu đỏ; mục “I. Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” và số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 06 chữ số, được in màu đen; dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

– Trang 2: Nội dung được in chữ màu đen bao gồm mục “II. Thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, trong đó có các thông tin về thửa đất, nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm và ghi chú; ngày tháng năm ký và cơ quan ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

– Trang 3: Nội dung được in chữ màu đen bao gồm mục “III. Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” và mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”.

– Trang 4: Nội dung được in chữ màu đen bao gồm nội dung tiếp theo của mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”; nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; mã vạch trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

– Trang bổ sung Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Nội dung được in chữ màu đen bao gồm dòng chữ “Trang bổ sung Giấy chứng nhận”; số hiệu thửa đất; số phát hành Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận và mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận” như trang 4 của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

XEM THÊM

BĐS VINHLAND - Nhận ký gửi, mua bán nhà đất khu vực Long Biên, Hà Nội. Tư vấn pháp lý, nhận làm các thủ tục liên quan đến sổ đỏ.
Hotline 24/7: 0866 83 86 88